Bản tin MẮT THẦN ONLINE

Nơi chia sẻ các kinh nghiệm quản lý và kiểm soát chống thất thoát, gian lận hàng hóa!

Mua lại Android chính là thương vụ tuyệt nhất đối với Google trong 15 năm qua

Hồi năm 2005, mọi người đều nghĩ Google chỉ là một công ty tìm kiếm hỗ trợ quảng cáo. Tuy nhiên, vào ngày 11/07 cách đây 15 năm trước, công ty đã âm thầm mua lại một công ty khởi nghiệp nhỏ, có tên là Android, với mức giá cực rẻ.

Mua lại Android chính là thương vụ tuyệt nhất đối với Google trong 15 năm qua

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết thương vụ này là một thành công lớn. Tận dụng những kỹ năng của các thành viên trong đội ngũ Android mới, Google đã dành 3 năm tiếp theo đó để phát triển hệ điều hành này cho thiết bị di động. Khi chín muồi, Google tung ra phiên bản Android công khai đầu tiên vào năm 2008 với sự ra mắt của T-Mobile G1/HTC Dream.

Ngày nay, Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới. Các ước tính mới nhất từ công ty nghiên cứu Statista tuyên bố rằng Android đã được cài đặt trên 74,13% tổng số smartphone mới kể từ tháng 12/2019. Android cũng đã đánh bại những đối thủ kỳ cựu thời đó, chẳng hạn như Microsoft Windows Phone hay Windows Mobile, Nokia Symbian, và đáng chú ý nhất là BlackBerry.

Hồi tháng 05/2019, Google tiết lộ, có hơn 2,5 tỉ người dùng Android hoạt động hàng tháng và con số đó có thể đã tăng lên đáng kể cho đến nay. Bên cạnh smartphone, Android cũng được sử dụng trong smartwatch, tablet, smart TV cùng nhiều thiết bị khác. Có lẽ quan trọng hơn, sự ra mắt của Android đã giúp Google trở thành một trong những công ty lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Dẫu vậy, chặng đường của Android không hẳn là thuận buồm xuôi gió.

Google mua lại Android: Một lịch sử

Google mua lại Android: Một lịch sử

Google đã mua Android từ một công ty độc lập có tên là Android Inc. Nó được thành lập vài năm trước khi gã khổng lồ tìm kiếm mua lại, cụ thể là vào nửa đầu năm 2003. Đồng sáng lập nổi tiếng của công ty đặt tại Palo Alto này chính là Andy Rubin, từng là cựu nhân viên tại MSN và Apple. Khi làm tại Apple, Rubin có biệt danh là "Android" khi các đồng nghiệp nhận thấy tình yêu mãnh liệt của anh dành cho robot.

Năm 1999, Rubin đã giúp công ty tên Danger thành lập. Công ty này đã ra mắt một trong những chiếc smartphone đầu tiên, có tên là Danger Hiptop, sau đó được đổi tên thành Sidekick khi T-Mobile bán ra năm 2002. Sau đó, Rubin rời khỏi Danger vào năm 2003 để tạo nên Android, cùng với những đồng sáng lập khác, bao gồm Rich Miner, Nick Sears và Chris White.

Ý tưởng ban đầu của công ty là tạo ra một hệ điều hành dành cho máy ảnh số và đó là cách Android OS thu hút những nhà đầu tư ban đầu. Dẫu vậy, mục đích đó nhanh chóng bị thay đổi khi thị trường máy ảnh số độc lập dần bị thu hẹp lại, bởi người dùng đã loại bỏ chúng, chuyển sang điện thoại di động. Rubin cùng đội ngũ Android đã quyết định chuyển trọng tâm và tạo ra một hệ điều hành mở cho điện thoại.

Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian, Android trông có vẻ như là một công ty sắp phải đóng cửa hoàn toàn. Ở mức thấp nhất, Rubin đã phải vay mượn một người bạn của mình, nhà đầu tư Steve Perlmanm. Perlmanm sau đó đã ra ngân hàng và đưa trực tiếp 10.000 USD tiền mặt cho Rubin. Một ngày sau đó, Rubin đã đổ một lượng tiền (không rõ con số) vào công ty để duy trì hoạt động Android.

Hóa ra, đó là tất cả những gì Android Inc. cần để tồn tại trước thương vụ tiếp theo. Google đã yêu cầu gặp những đồng sáng lập Android vào tháng 01/2005 để xem liệu họ có thể giúp công ty hay không.

Trong một cuộc họp thứ 2 diễn ra vào cuối năm đó, những đồng sáng lập Android đã trình diễn một nguyên mẫu hệ điều hành di động của họ cho Larry Page và Sergey Brin thấy. Rõ ràng, nó đủ tốt để Google nhanh chóng đề nghị mua lại. Và nhiều thông tin cho rằng, Google mua công ty này với giá chỉ 50 triệu USD.

Về lý do tại sao Google lại quyết định mua Android, Page và Brin tin rằng một hệ điều hành di động sẽ giúp mở rộng đáng kể mảng kinh doanh quảng cáo cũng như tìm kiếm cốt lõi của mình, vượt ra khỏi nền tảng PC vào thời điểm đó.

Đội ngũ Android chính thức chuyển đến khuôn viên của Google tại Mountain View, California vào ngày 11/07/2005. Đó được coi như là ngày Google chính thức mua lại Android. Tuy nhiên, tin tức về thương vụ này đã không được công bố cho đến vài tuần sau, vào tháng 08/2005.

Tại sao Google mua lại Android là một thương vụ tuyệt vời?

Tại sao Google mua lại Android là một thương vụ tuyệt vời?

50 triệu USD mà Google chi ra để mua Android là một con số rất nhỏ so với những thương vụ mua lại khác của họ trong 15 năm sau đó. Thực tế, gã khổng lồ tìm kiếm này chỉ chi ra 130 triệu USD để mua lại nhiều công ty trong cả năm 2005. Để dễ hình dung, chỉ 1 năm sau đó, Google đã chi một khoản tiền khổng lồ, 1,65 tỉ USD, để mua lại YouTube. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu YouTube có đáng với giá trị đó hay không, nhưng giờ đây, chắc chắn rằng, Google đã được đền đáp, mặc dù Android thậm chí còn thành công hơn.

Tuy nhiên, một số thương vụ mua lại khác của Google lại không thành công như vậy. Khoản chi 12,5 tỉ USD khổng lồ để mua lại Motorola vào năm 2011 thường được coi là một trong những sai lầm lớn nhất của Google, và gã khổng lồ tìm kiếm này đã buộc phải bán công ty này cho Lenovo với giá chỉ 2,9 tỉ USD trong 3 năm sau đó.

Một số thương vụ mua lại khác của Google vẫn có thể được coi là đang hoạt động. Nest Labs, được Google mua lại với giá 3,2 tỉ USD vào năm 2012, đã khá chậm trrong việc triển khai, nhưng với quyết định đưa các thiết bị Google và Nest về một thương hiệu duy nhất, rõ ràng, Google đang có những kế hoạch lớn trước mắt. Ngoài ra, công ty này dự kiến sẽ mua lại Fitbit với giá 2,1 tỉ USD. Biết đâu được, Google sẽ tung ra Pixel Watch thì sao?

Nhiều khả năng, Google sẽ không bao giờ nhận được mức lợi tức đầu tư nào tốt hơn Android nữa. Dĩ nhiên, công ty này vẫn sẽ tiếp tục mua lại và đầu tư vào các công ty khác, nhưng phải thừa nhận rằng, thương vụ 50 triệu USD này đã mang lại rất nhiều lợi nhuận và danh tiếng cho Google.

Minh Hùng theo Android Authority

Hãy để Mắt Thần giải quyết vấn đề của bạn

Dùng thử ngay

Hỗ trợ

Đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng phục vụ 7 ngày trong tuần.

Hotline (024)3557.3636

Hãy gọi ngay cho chúng tôi bất cứ lúc nào bạn cần để nhận được tư vấn và thông tin đầy đủ nhất.

E-mail: info@dtctech.vn

Mọi yêu cầu, thắc mắc của bạn hãy gửi về email hỗ trợ để được trả lời một cách nhanh nhất.